Nhân sâm từ lâu đời đã được xem là thảo dược quý với nhiều giá trị đối với sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu cách sử dụng nhân sâm vừa an toàn lại hiệu quả qua bài viết dưới đây nhé.
Nhân sâm là gì?
Nhân sâm là một loại cây lâu năm phát triển chậm, thuộc chi Panax, họ Araliaceae, thường có thân phân nhánh, lá có cuống dài và mép răng cưa. Một cây nhân sâm trung bình 6 năm tuổi sẽ có tổng chiều dài rễ khoảng 34cm với rễ chính khoảng 7-10 cm và rộng 3cm cùng có một số rễ con trọng lượng trung bình dao động từ 70-100g.
Rễ nhân sâm thường được thu hoạch lúc 4 đến 6 tuổi vào mùa thu. Theo truyền thống, rễ nhân sâm được coi là bộ phận duy nhất có hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, các bộ phận khác của nhân sâm như hoa, lá và quả cũng được phát hiện là có hiệu quả qua các nghiên cứu khác nhau.
Rễ nhân sâm là bộ phận duy nhất có hiệu quả điều trị
Các loại nhân sâm phổ biến
Tùy thuộc vào thời gian trồng, nhân sâm có thể được chia thành 3 loại phổ biến:
- Nhân sâm tươi: được thu hoạch dưới 4 năm. Sâm được thu hoạch mang về làm sạch nhưng vẫn giữ nguyên hình thái bên ngoài, được bán dưới dạng tươi với giá phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ.
- Nhân sâm trắng (Bạch sâm): được thu hoạch từ 4 – 6 năm. Bạch sâm là sâm tươi được gọt vỏ, phơi khô nhiều lần đến khi lượng nước trong củ giảm còn dưới 14% . Sau đó, trần sâm trong nước sôi, tẩm đường, phơi hoặc sấy khô.
- Nhân sâm đỏ (Hồng sâm): thu hoạch sau 6 năm trở lên, được hấp trước rồi sấy khô sao cho lượng nước trong sâm giảm xuống còn mức dưới 14%. Kết quả cuối cùng là hồng sâm có màu hồng nhạt, trong suốt, vị ngọt và hơi đắng. Nhân sâm đỏ được coi là hiệu quả hơn vì đã được hấp trước làm bất hoạt các enzyme dị hóa, tăng cường tác dụng của các thành phần trong sâm.
Ngoài ra, nhân sâm còn được phân loại dựa vào xuất xứ gồm:
- Nhân sâm châu Á hoặc nhân sâm Hàn Quốc (Panax Ginseng).
- Nhân sâm Mỹ (Panax quinquefolius).
Nhân sâm Mỹ và châu Á khác nhau về nồng độ các hợp chất hoạt động. Từ đó mang lại nhiều tác dụng khác nhau đối với cơ thể.
Nhân sâm được chia thành 3 loại phổ biến
Nên dùng nhân sâm bao nhiêu tuổi để có lợi nhất cho sức khỏe
Tổng nồng độ các thành phần chính trong rễ nhân sâm – ginsenoside và saponin tăng theo tuổi cây. Saponin trong sâm củ 4 năm tuổi là cao nhất, đạt trên 95%, cao hơn cả nhân sâm 6 năm tuổi (chỉ trên 75%).
Tuy nhiên, củ sâm 4 năm tuổi lại có hình thức chưa được hoàn chỉnh, chưa hình thành đủ các phần chi. Đồng thời trọng lượng cũng chưa đạt tối đa. Do đó, nhân sâm 6 năm tuổi là loại nhân sâm phù hợp, đủ thời gian để phát triển cả về chất cũng như về lượng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nhân sâm 6 năm tuổi là loại nhân sâm phù hợp, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe
Các tác dụng của nhân sâm đối với sức khỏe
Chống oxy hóa
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất nhân sâm và hợp chất ginsenoside trong nhân sâm có khả năng ức chế tình trạng viêm, giảm tổn thương oxy hóa tế bào. Từ đó có thể bảo vệ cơ thể khỏi các tình trạng bệnh mãn tính.
Một nghiên cứu trên 12 nam giới năm 2022 cho thấy rằng việc bổ sung chiết xuất nhân sâm Mỹ trong thời gian ngắn sẽ làm giảm tình trạng tổn thương cơ do tập thể dục (EIMD). Đồng thời, hoạt tính chống oxy hóa của các thành phần trong nhân sâm góp phần giảm sự peroxid hóa lipid trong khi tập thể dục, bảo vệ đối với tổn thương cơ tim.
Một nghiên cứu khác vào năm 2014 cho thấy sử dụng nhân sâm đỏ có thể làm giảm tình trạng stress oxy hóa bằng cách tăng hoạt động của enzyme chống oxy hóa ở phụ nữ sau mãn kinh sau 12 tuần.
Sử dụng nhân sâm đỏ có thể làm giảm tình trạng stress oxy hóa
Cải thiện chứng rối loạn cương dương
Một nghiên cứu năm 2014 cho rằng nhân sâm với đặc tính chống oxy hóa có thể bảo vệ chống lại stress oxy hóa trong mạch máu và mô của dương vật. Từ đó có thể giúp phục hồi, cải thiện chức năng cương dương ở chuột mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác chỉ ra rằng nhân sâm có thể thúc đẩy sản xuất oxit nitric, kích hoạt sự thư giãn của mô cơ trơn thể hang. Từ đó dẫn đến tăng lưu lượng máu vào dương vật và tăng phản ứng cương dương
Một nghiên cứu năm 2021 nhận định rằng nhân sâm có thể là một giải pháp thảo dược hữu ích trong điều trị rối loạn cương dương (ED)
Nhân sâm có thể là một giải pháp thảo dược hữu ích trong điều trị rối loạn cương dương
Tăng cường hệ miễn dịch
Theo một nghiên cứu năm 2021, nhân sâm có đặc tính kháng khuẩn, chống nấm và chống vi rút mạnh mẽ. Từ đó nhân sâm được cho là một chất điều hòa miễn dịch và tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch ở người.
Một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy chiết xuất nhân sâm đỏ có thể làm tăng số lượng tế bào bạch cầu cần thiết cho khả năng miễn dịch và thúc đẩy khả năng chống oxy hóa trong gan.
Một nghiên cứu khác năm 2021 cho thấy dùng 2g hồng sâm Hàn Quốc mỗi ngày trong 8 tuần có thể tăng cường hệ thống miễn dịch thông qua sự gia tăng các tế bào T, tế bào B và bạch cầu.
Nhân sâm là một chất điều hòa và tăng cường chức năng miễn dịch
Ngăn ngừa ung thư
Ginsenosides có trong nhân sâm được chứng minh có hữu ích trong việc ngăn chặn chu kỳ chết tế bào và ức chế tăng sinh mạch máu, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Một báo cáo năm 2015 đã kết luận rằng nguy cơ phát triển ung thư gồm ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan,… thấp hơn 16% ở những bệnh nhân sử dụng nhân sâm.
Ngoài ra, nhân sâm còn có thể giúp cải thiện sức khỏe của những người đang thực hiện hóa trị. Đồng thời làm giảm tác dụng phụ cũng như nâng cao hiệu quả của một số phương pháp điều trị ung thư.
Chống lại mệt mỏi và tăng năng lượng
Polysaccharides và oligopeptide trong nhân sâm được nghiên cứu có khả năng ức chế quá trình stress oxy hóa và chuyển hóa năng lượng cao hơn trong tế bào. Từ đó có thể giúp giảm mệt mỏi.
Theo một số nghiên cứu, việc dùng nhân sâm Mỹ hoặc châu Á có thể làm giảm các triệu chứng mệt mỏi liên quan đến ung thư với liều 2.000 mg hoặc 3.000 mg mỗi ngày.
Một báo cáo năm 2018 đã kết luận rằng nhân sâm có thể cải thiện các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính chỉ sau 15 ngày. Do đó, nhân sâm là một trong những loại được sử dụng với tác dụng cải thiện năng lượng, sức khỏe thể chất, chống lại mệt mỏi.
Một đánh giá khác năm 2016 cũng cho thấy rằng bổ sung nhân sâm có thể không chỉ giúp giảm mệt mỏi mà còn có thể nâng cao hiệu suất thể chất.
Nhân sâm có thể cải thiện các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Một đánh giá năm 2019 cho thấy nhân sâm có thể điều hòa bài tiết insulin từ tế bào tuyến tụy, tăng cường hấp thu glucose trong máu, chống oxy hóa và chống viêm. Từ đó cho thấy khả năng chống tiểu đường tíc h cực đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
Một đánh giá khác năm 2016 cho thấy việc bổ sung nhân sâm có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói và cải thiện độ nhạy insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu năm 2018 cho kết quả rằng sử dụng chiết suất nhân sâm Mỹ mỗi ngày trong 8 tuần có thể làm giảm đường huyết lúc đói và HbA1c – một dấu hiệu kiểm soát tiểu đường. Từ đó, chiết xuất nhân sâm Mỹ được thêm vào phương pháp điều trị bổ sung hiệu quả và an toàn trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Ngoài ra, hồng sâm cũng đã được chứng minh rằng có hiệu quả trong việc giảm nồng độ glucose trong máu và tăng mức insulin sau bữa ăn khi được sử dụng mỗi ngày trong 4 tuần.